-->

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

"Về lâu dài, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư"


"Về lâu dài, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư"
Ông Jeffrey E. Carleton, Giám đốc Tài chính và Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng Citibank tại Việt Nam.

“Trong tình hình giá vàng đang lên cao, nếu tôi được lựa chọn tích lũy giữa USD, tiền đồng và vàng thì vàng sẽ đứng ở vị trí thứ ba”, ông Jeffrey E. Carleton, Citibank, cho biết thêm.

 

Trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam có thể sẽ thoát khỏi tình trạng thâm hụt thương mại. Về lâu dài, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư. Đó là những nhận định khá lạc quan của ông Jeffrey E. Carleton, Giám đốc Tài chính và Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng Citibank tại Việt Nam.
Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tăng lãi suất cơ bản lên 10% vào cuối năm 2010 và giảm thanh toán bằng tiền mặt để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại và lạm phát? Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tình hình thị trường ngoại hối 3-4 tháng qua tương đối ổn định. Mặt bằng lãi suất cũng giảm xuống. Với những biểu hiện khả quan này, tôi không nghĩ là cần phải tăng lãi suất cơ bản lên 10% để kiểm soát lạm phát và giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại hiện nay.
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp như yêu cầu các ngân hàng cắt giảm lãi suất, kiểm soát thị trường tiền tệ và Ngân hàng Nhà nước cũng quyết tâm giữ cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối. Theo ông, các biện pháp này có giúp lấy lại vị thế cho đồng nội tệ?
Nếu theo dõi kỹ, chúng ta sẽ thấy xu hướng của thị trường tiền tệ trong những tháng qua là khá ổn định. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã khôi phục được lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư. So với hồi đầu năm, người dân đã tin tưởng hơn vào triển vọng của nền kinh tế trong nước.
Ông giải thích thế nào về sự ổn định này? Đó là nhờ có sự can thiệp của chính phủ hay vì thị trường tự ổn định lại?
Tôi nghĩ là cả hai. Chính phủ đã giải quyết được một số vấn đề mà thị trường quan tâm như vàng chẳng hạn. Nhận thức chung của người dân về tình hình kinh tế thế giới cũng đã lạc quan hơn so với đầu năm. Đây là điều đáng mừng.
Các doanh nghiệp trong nước đang vay USD nhiều hơn tiền đồng Việt Nam vì lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn (lãi suất cho vay USD từ 6-7%/năm, trong khi lãi suất tiền đồng là 12,5-14%/năm). Làm như vậy liệu có quá mạo hiểm không?
Sẽ không mạo hiểm nếu doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro cho khoản vốn vay ngoại tệ. Tùy vào số tiền vay và thời gian đáo hạn, doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng hoán đổi tiền tệ hoặc các giao dịch phái sinh khác nhằm phòng tránh rủi ro tỉ giá hối đoái. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, vốn có nguồn thu ngoại tệ, điều này càng không đáng lo ngại.
Ông dự báo như thế nào về tỉ giá hối đoái trong những tháng cuối năm?
Nếu không có những cú sốc như các nước quay trở lại thời kỳ suy thoái kinh tế thì tỉ giá VND/USD trong những tháng cuối năm sẽ không biến động nhiều so với hiện nay (dao động từ 19.400-19.500 VND/USD). Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng 2,1% tỉ giá liên ngân hàng. Điều này sẽ tác động tích cực lên tỉ giá VND/USD trong những tháng cuối năm.
Và khi mọi việc đều ổn định, lượng tiền chảy vào Việt Nam từ các cá nhân, tổ chức đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn đang hoặc dự định trở lại đầu tư tại Việt Nam, sẽ tiếp tục gia tăng. Tôi nghĩ dòng tiền trên sẽ tiếp tục giúp ổn định thị trường, ngăn tình trạng tiền đồng xuống giá.
Nhìn lại năm 2008, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia khác, các nhà đầu tư đã rút ra một lượng lớn USD. Lượng tiền này giờ đây đang quay lại khi nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu hồi phục.
Về lâu dài, xu hướng của đồng Việt Nam sẽ như thế nào?
Trong vòng 5-10 năm tới, thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ giảm. Tương tự với những gì chúng ta đã chứng kiến ở các nước châu Á khác, tỉ giá USD so với đồng nội tệ sẽ tăng nhưng dần dần. Liệu tỉ giá có tiếp tục tăng? 
Tôi không biết đâu sẽ là điểm dừng nhưng tôi tin rằng, về lâu dài, với các lợi thế lớn của mình, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư và có thể nhờ đó, đồng nội tệ sẽ mạnh hơn.
Một số công ty lớn ở Việt Nam muốn huy động vốn trên thị trường quốc tế. Ông nghĩ gì về điều này?
Đó là một điều rất tốt. Có nhiều nhà đầu tư muốn làm ăn với Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua đợt bán trái phiếu chính phủ thành công hồi tháng 1 năm nay. Vì vậy, bất cứ khi nào có một doanh nghiệp hay Chính phủ Việt Nam gọi vốn trên thị trường quốc tế thì đó đều là cơ hội tuyệt vời để họ đa dạng hóa danh mục đầu tư. Và điều quan trọng hơn, đó còn là một hình thức quảng bá cho Việt Nam.
Hãy tưởng tượng nhà quản lý tiền tệ của một tập đoàn quyết định đầu tư vào một thương vụ tại Việt Nam. Chắc chắn họ phải tìm hiểu thông tin, phân tích tình hình quốc gia mà mình đầu tư vào. Và khi phân tích nền công nghiệp của một nước, họ cũng sẽ biết về các công ty khác trong ngành công nghiệp đó.
Nhiều người Việt Nam đang dành dụm bằng cách mua vàng. Tuy nhiên giá vàng giờ đã lên cao, gần 29 triệu đồng/lượng. Ông có nghĩ rằng mua vàng lúc này là quá rủi ro không?
Tuy không phải là chuyên gia về lĩnh vực này nhưng tôi nhận thấy mối quan tâm của người dân đối với vàng ở Việt Nam rất đáng kinh ngạc. Vai trò của vàng trong nền kinh tế Việt Nam thực sự là rất khác thường so với các nước khác.
Có nhiều người cho rằng vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce, nhưng cũng có người dự đoán giá sẽ giảm xuống còn 1.000 USD/ounce hay thấp hơn. Vàng là một nguồn dự trữ tài sản từ hàng ngàn năm nay và tôi nghĩ điều này không dễ gì thay đổi được.
Liệu giá vàng có phải đang lên quá cao? Trong tình hình này, nếu tôi có sự lựa chọn để tích lũy giữa USD, tiền đồng và vàng thì vàng sẽ đứng ở vị trí thứ ba.
Theo Ngọc Trân
Nhịp cầu đầu tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét